Ngọ Môn Cố đô Huế

Bình luận
         Cố đô Huế - một nơi lịch sử ngàn năm văn hiến, là nơi lưu giữ những kì quan thắng cảnh có giá trị to lớn của dân tộc Việt Nam. Một trong số những kì quan đó là Ngọ Môn. Ngọ Môn là một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của miền quê núi Ngự, sông Hương. Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ, tuy nhiên nó là một chiếc cổng đặc biệt bởi quy mô khá đồ sộ và kiến trúc độc đáo.
Công trình kiến trúc độc đáo - Ngọ Môn
Ngọ Môn Cố đô Huế
          Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn có kiến trúc tương tự Ngọ Môn ở cố cung Bắc Kinh nhưng vẫn thể hiện rõ phong cách kiến trúc dân tộc Việt Nam. Ngọ Môn có hai phần chính là Đài - cổng và lầu Ngũ Phụng. Phần Đài - cổng có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m, cạnh bên dài 27,06m. Đài được xây bằng gạch đá, kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1.560m2. Thân đài trổ 5 lối đi. Lối đi chính giữa chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là tả Giáp Môn và hữu Giáp Môn dành cho quan văn, quan võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là tả Dịch Môn và hữu Dịch Môn dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu.

           Lầu Ngũ Phụng là phần lầu đặt phía trên Đài - cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu Ngũ Phụng có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hành lang. Mái tầng trên chia làm 9 bộ với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói lưu ly màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói lưu ly màu xanh.
Lầu ngũ phụng đang được trùng tu lại
Lầu Ngũ Phụng
          Tòa lầu này có địa thế rất đặc biệt. Đứng trên lầu Ngũ Phụng là một nơi rất thuận lợi để du khách chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh kinh thành Huế. Hướng mắt ra phía trước, giữa một khoảng không rộng lớn là lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên ngọn Kỳ Đài. Đây là một công trình kiến trúc tương đối lớn, là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 23/8/1945, lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên được tung bay tại đây, báo hiệu sự chấm dứt chế độ quân chủ. Kỳ Đài không chỉ là công trình kiến trúc đặc sắc, mà còn là một biểu tượng của cố đô Huế. Khoảng giữa Kỳ Đài và Ngọ Môn là Quảng trường Ngọ Môn. Nhìn vào phía trong là Điện Thái Hòa được dẫn vào bằng chiếc cầu Trung Đạo bắc ngang hồ Thái Dịch, tiến đến sân Đại Triều.
           
          Trang trí Ngọ Môn rất được coi trọng. Ngói ống đều tráng men và in các hoa văn ở diềm mái. Nhiều họa tiết trang trí nổi bật như dơi ngậm tiền, buớm, rồng cách điệu được ghép bằng những mảnh sứ màu. Một số họa tiết trang trí hoa lá hình bát bửu được chạm trên các lan can gỗ cũng được các nghệ nhân đặc biệt chú ý.

             Về góc độ văn hóa - lịch sử, nơi đây đã in dấu bao nhiêu sự kiện lịch sử dưới các triều đại vua cuối cùng của Việt Nam. Nơi đây ngày xưa vẫn thường diễn ra các lễ lạt quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa). Ngày 25/8/1945, tại cửa Ngọ Môn, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, đã đọc tuyên ngôn thoái vị trao chính quyền lại cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

               Với những giá trị kiến trúc lịch sử đặc biệt, Ngọ Môn cùng với hàng trăm di tích thuộc quần thể kiến trúc triều Nguyễn đã được Tổ chức Văn hoá, Giáo dục thế giới (Unesco) công nhận là di sản văn hoá thế giới (1993).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét